Biểu tượng của Cà phê Tây Bắc
Giới thiệu cà phê Mường Ảng
Nằm dưới chân đèo Tằng Quái, từ lâu thung lũng Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã nổi tiếng là “vựa” cà phê lớn nhất vùng Tây Bắc. Cây cà phê có mặt trên đất Mường Ảng từ những năm 1970, nhưng phải đến năm 1995-1996, loại cây công nghiệp lâu năm này mới chính thức được đầu tư canh tác theo mô hình mới hiệu quả hơn, giống cà phê được thay thế bằng giống catimor nhằm hạn chế tối đa sự phá hoại của sâu bệnh, đặc biệt là khả năng kháng được bệnh gỉ sắt.
Nếu như thời kỳ trước đây, cà phê sản xuất chủ yếu là để phục vụ nhu cầu làm thức uống của các hộ gia đình, thì giờ đây theo thời gian cây cà phê chè tại huyện Mường Ảng đã dần khẳng định được giá trị của mình. Cũng bởi sự gắn bó lâu dài, cùng trải qua những thời kỳ khó khăn nên đối với người dân huyện Mường Ảng, cà phê Mường Ảng giờ không đơn thuần là thức uống, mà đã trở thành nét văn hóa cộng động đặc trưng, một phần không thể tách rời với mỗi con người Mường Ảng trong các hoạt động kinh tế và văn hóa – xã hội.
Arabica được mệnh danh là “Nữ hoàng cà phê” nhờ sở hữu hương thơm đặc biệt, vị đắng nhẹ, trong trẻo của hổ phách, độ chua và hàm lượng cafein hoàn hảo, vừa sang trọng, vừa thanh thoát, do vậy khi được thưởng thức người dùng sẽ khó có thể quên được nó. Cà phê Mường Ảng Điện Biên mang trọn vẹn đặc tính của Arabica, tuy nhiên cà phê Mường Ảng Điện Biên còn xây dựng được thương hiệu riêng và được biết đến là với mùi hương dịu hơn, vị đắng nhẹ, đặc biệt là hậu vị ngọt rất sâu.
Sự khác biệt của cà phê Mường Ảng so với cà phê ở các vùng khác được tạo nên bới yếu tố tự nhiên đặc thù. Cà phê Mường Ảng nằm trọn trong vùng lòng chảo, cà phê được trồng ở độ cao trên 600m so với mặt nước biển, biên độ nhiệt chênh lệch ngày và đêm khá lớn, trên 100C, đôi khi lên đến 140C – 150C. Lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn, trên 1.500mm, phân bố từ tháng 4 đến tháng 10 đủ ẩm để cà phê sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Đặc biệt có 2 – 3 tháng rất khô hạn, khá thích hợp cho cà phê tích lũy hocmon để phân hóa mầm hoa đạt năng suất cao. Tại huyện Mường Ảng, cà phê được trồng phổ biến ở đất nâu đỏ trên đá vôi (Fv) và đất nâu tím trên đá sét tím (Fe). Đất hình thành trên đá vôi, thành phần cơ giới nặng, màu chủ đạo là nâu đỏ, đây được đánh giá là loại đất tốt, tầng đất dày, khá tơi xốp, phân bố trên các dải đồi, núi thấp. Chính vì vậy, có thể nói Mường Ảng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình phù hợp cho cây cà phê Arabica sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng cà phê thơm ngon, có hương vị đặc trưng riêng. Cà phê Mường Ảng đang dần khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ cà phê việt.
Hiện nay, diện tích canh tác cà phê tại Mường Ảng đạt khoảng 3.000 ha, phân bố trên tất cả các xã, thị trấn trong huyện, tập trung chủ yếu tại thị trấn Mường Ảng, xã Ẳng Cang, xã Ẳng Nưa và xã Ẳng Tở. Mặc dù cà phê đã trở thành cây chủ lực góp phần thay đổi diện mạo của huyện Mường Ảng, giúp bà con nơi đây xóa đói, giảm nghèo, tuy nhiên việc tạo dựng thương hiệu, tiến tới tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này đang là một bài toán khó đặt ra cho các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trước những tiềm ẩn rủi ro về giá cả, thị trường như hiện nay.